VĂN BẢN

CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

     Ngày 03/06/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

     Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.

     Mục tiêu cơ bản đến năm 2025

     Về phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

     100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế xã hội; phấn đấu Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

     Liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII)...

     Mục tiêu cơ bản đến năm 2030

     Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp 100% trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); Ngoài ra, Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

     Về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, mục tiêu đến năm 2030, phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%. Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

     Quyết định nêu rõ, nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng số; tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

     Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển Chính phủ số là phát triển Hạ tầng chính phủ số phục vụ cơ quan nhà nước trên cơ sở kết hợp thế mạnh của Mạng Truyền số liệu chuyên dùng, mạng Internet, trung tâm dữ liệu của cơ quan nhà nước để phục vụ kết nối liên thông, xuyên suốt 4 cấp hành chính...

     Đẩy mạnh triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển Chính phủ điện tử; xây dựng Cổng dữ liệu quốc gia; áp dụng công nghệ mới nhất về truyền thông xã hội (Social), cung cấp thông tin, dịch vụ hành chính công một các đơn giản, thuận tiện trên di động (Mobile); phát triển, hoàn thiện hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối với Cổng dịch vụ công…

     Theo đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với chuyển đổi số trong giáo dục là một trong tám lĩnh vực ưu tiên.

     “Chuyển đổi số trong giáo dục trong thời gian tới chắc chắn cũng sẽ gắn liền với giáo dục mở, một chủ trương đã được nêu rõ trong Nghị quyết trung ương số 29/NQ-TW năm 2013 và trong Luật Giáo dục của Việt Nam năm 2019, khẳng định hệ thống giáo dục của Việt Nam là hệ thống giáo dục Mở, điều hoàn toàn phù hợp với khuyến cáo tài nguyên giáo dục mở của UNESCO mà 193 quốc gia đã phê chuẩn ngày 25/11/2019, khẳng định xu thế không thể đảo ngược của giáo dục mở và nền tảng của nó là tài nguyên giáo dục mở”.

     Các nội dung định hướng mới về giáo dục hiện nay có thể kể đến như: Chuyển đổi số - điều kiện tất yếu để xây dựng trường học thông minh trong thời đại 4.0; Giáo dục 4.0: Cơ hội và thách thức cho giáo dục bậc cao; Hệ sinh thái Giáo dục Việt Nam Edu 4.0; Giải pháp 4.0 toàn diện cho chuyển đổi số Giáo dục tại Việt Nam.

     Tiền đề của Giáo dục thông minh là khả năng tiếp cận không giới hạn của người học đối với Giáo dục. EDU4.0 đã tạo thêm cơ hội để các cơ sở giáo dục và các đơn vị cung cấp giải pháp, nền tảng công nghệ giáo dục cùng kết nối, chia sẻ các thông tin về mô hình Giáo dục 4.0, về lộ trình phát triển, mức độ đầu tư và cả những công nghệ phục vụ việc hiện thực hóa Giáo dục 4.0.

     Từ những thông tin đó chúng ta có thể tham mưu cho nhà trường cũng như các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng một lộ trình phát triển Giáo dục khoa học, hiện đại, giúp cho các cơ sở giáo dục có định hướng đầu tư một cách rõ ràng, hiệu quả, và giúp cho các công ty công nghệ Việt Nam có thể tiếp cận, đưa những công nghệ Giáo dục 4.0 “make in Vietnam” và hiện thực đời sống bên cạnh việc học hỏi những tinh hoa công nghệ quốc tế. 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin cùng chuyên mục
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH CẨM XUYÊN
    Thống kê: 114.447
    Trong năm: 13.319
    Trong tháng: 11.519
    Trong tuần: 6.991
    Trong ngày: 576
    Online: 18